Vượt chặng đường xa gần 100km từ Buôn Ma Thuột, đến với xã Ea Lê, huyện Ea Súp, rồi lại tất tả vượt hơn 20km đường xấu với 5km cát trắng chỉ có thể đi bộ hoặc xe máy, tiểu khu 249 thấp thoáng hiện về trong khắc khoải, có lẽ vùng đất cằn cỗi này vốn dĩ phải hứng chịu những khắc nghiệt của đất trời. 

Làm sao quên được cái nắng biến sắc đỏ rực chỉ chờ chực thiêu đốt, đến cỏ cây cũng khép mình cam chịu, cũng có lúc tê buốt vì cái lạnh đột ngột tràn về, miền viễn xứ chìm trong u tịch. Tiểu khu 249, Ea Lê càng khiến lòng người nao núng hơn khi hoàn toàn không có điện, không có nước, đất cát trắng giữa bao la bình nguyên. Rồi cả một vùng 249 này chỉ biết ngụp lặn, bế tắc quanh cái sự lạc hậu, túng quẫn và chắp vá của kiếp đời.

Vậy mà đâu đó vẫn ánh lên hy vọng từ những đứa học trò nhỏ. Ngày đi học, đứa thì tay ôm sách vở, đứa dùng cặp táp làm nón đội đầu, tất thảy đi chân đất dù lớp cát bỏng rát. Chúng đi học cứ như một chuyến dã ngoại đầy hứng thú bởi mặt mũi đứa nào cũng lấm lem, tóc tai rối bời, có khi quần áo tả tơi, chỗ rách, chỗ vá như vừa diễn ra một cuộc tập trấn đấu cờ, lẽ vậy chiếc áo trắng theo thời gian cũng xỉn màu, vàng ố, ngặt nỗi chúng chỉ có mỗi một chiếc áo để đến lớp. Ấy vậy mà, cái miệng của lũ học trò bé tí lúc nào cũng bi ba bi bô, nhanh nhẩu vào lớp học. Thương hơn mỗi khi trời rét đến tái người, áo quần không đủ mặc huống chi là chờ đợi sự ấm áp.

“Nghiêm !”…tụi nhỏ im bặt sau những phút tranh luận sôi nổi khi bóng thầy giáo trẻ bước vào…Cũng đã bao năm gắn bó với mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” để rồi mỗi một phút giây trôi qua, vùng tiểu khu 249 này lại đong đầy bao kỷ niệm về tình thầy trò, mặc cho nơi đây lắm nhọc nhằn và dù chỉ được dạy ở một mái trường xập xệ, phòng học nhỏ bé, chỉ có gỗ ván do người dân gom góp đóng tạm thay cho những tường gạch xi măng vững chắc, bao nhiêu hơi nóng thỏa sức lùa vào, chỉ có những chiếc bàn thô sơ, mà mỗi lúc sơ ý dăm gỗ sẽ vương vào tay, chỉ có nền đất, mái lợp tôn thay cho nền xi măng nhẵn mịn, mái bê tông cao vợi … Lũ học trò chăm chú từng lời giảng, dù cả thầy lẫn trò mồ hôi nhễ nhại, lớp học ngập tràn tiếng cười đùa hồn nhiên…bỏ quên cái sự đời nghiệt ngã. Chỉ thế thôi mà bao nhiêu năm qua, các thế hệ học trò cứ đến rồi đi, cô thầy mạng nặng nghiệp “gánh chữ”, học trò mang nặng nghĩa ân tình. 

Rồi mai đây, khi tiểu khu 249, khi Ea Lê “lớn lên” từng ngày, khi hàng chục ngàn em thơ của nhiều thế hệ nối tiếp cần đến lớp, liệu mái trường tồi tàn ấy có đủ “cưu mang” niềm tin và tri thức để tiếp bước cho một tương lai tươi sáng hơn hay chăng ?..?...? 
Hay vùng bình nguyên 249 khắc nghiệt này lại phải mòn mỏi đợi chờ một phép màu nhiệm, dẫu biết rằng lũ trẻ hồn nhiên ấy, cả ba, cả mẹ chúng, cả thôn làng đều nguyện lắm một mái trường “vẹn nguyên”.

Tiểu khu 249, vùng đất nghèo khắc nghiệt...vẫn không lời…vẫn hun hút trong tịch liêu…nhưng bình nguyên heo hút này của Ea Lê sẽ ấp ủ một ngày nắng dịu, mưa bay, gió hát và đôi mắt lũ học trò sẽ tròn xoe sáng bừng khi bước chân vào ngôi trường mới của “muôn đời”.


Những giờ học đầy "nắng gió"...



Ước mơ một ngôi trường mới tươm tất hơn cho năm học mới...